* Vườn hoa thành phố (Số 2 Trần Nhân Tông, tp. Đà Lạt)
Vườn hoa thành phố đà Đà Lạt hay còn gọi là công viên vườn hoa Đà Lạt trước đây có tên là vườn hoa Bích Câu. Được xây dựng và bắt đầu trồng hoa năm 1966 nhưng bị bỏ hoang một thời gian, đến năm 1985 được trùng tu và đi vào hoạt động lại.
Vườn hoa thành phố Đà Lạt
Vườn hoa thành phố được xem như “bảo tàng của các loài hoa” bởi nó là nơi lưu trữ và tạo giống trên 200 loài hoa khác nhau trong nước và ngoại nhập như các giống hoa hồng, cẩm tú cầu, hoa lan, mimosa, đồng tiền… Đến đây, du khách sẽ choáng ngợp với muôn vàn loài hoa tràn ngập sắc màu ngay từ ngoài cổng vào cả khuôn viên rộng khoảng 7ha. Đối với những ai đam mê nghiên cứu, chăm sóc hoa hoặc nhiếp ảnh về hoa thì đây là điểm đến không thể bỏ qua được.
* Hồ Xuân Hương (P.1, tp. Đà Lạt)
Hầu hết ai khi đến với Đà Lạt cũng đều thích thú với sự trong lành của khí hậu cũng như ngỡ ngàng với vẻ đẹp của Hồ Xuân Hương - nơi được mệnh danh là viên ngọc xanh giữa lòng thành phố. Hồ trước đây là thượng nguồn của dòng thác Cam Ly, nơi cư trú của những người Đà Lạt xưa có tên là dân tộc Lạch. Đến năm 1919 một viên công sứ người Pháp khi đó là Cunhac đã có ý tưởng ngăn dòng suối thành hồ và giao cho kỹ sư Labbé thực hiện, đến năm 1923 chính quyền đương thời lại cho xây thêm một đập phía dưới tạo thành 2 hồ. Vào tháng 3 năm 1932 có một cơn bão lớn với lượng nước kinh hoàng đã làm đập bị vỡ. Đến 1934 - 1935, Trần Đăng Khoa – kỹ sư người Việt đã thiết kế bỏ 2 đập cũ bằng một đập bằng đá, đó là cầu ông Đạo ngày nay. Người Pháp gọi là Grand Lac (Hồ Lớn). Năm 1953, Nguyễn Vỹ - nguyên là chủ tịch hội đồng thị xã đề nghị đổi tên Grand Lac thành Hồ Xuân Hương.
Hồ Xuân Hương
Nước của hồ thường xanh biếc vào mùa khô và đỏ ngầu vào mùa mưa lũ. Dạo quanh hồ, du khách thư thái khi được cảm nhận cảm giác se lạnh của đất trời, đặc biệt du khách có thể ngồi thưởng thức ly cà phê trên hồ như ngồi tại cafe Thủy Tạ, Thanh Thủy để ngắm nhìn mặt hồ lăn tăn sóng, vừa để chụp những tầm hình lưu niệm với kiến trúc có hình thức rất khác biệt, hoặc cũng có thể thuê thuyền vịt để trải nghiệm cảm giác mênh mang trên mặt hồ.
* Hồ Tuyền Lâm (P.4, tp. Đà Lạt)
Hồ Tuyền Lâm là một hồ nước ngọt rộng nhất thuộc thành phố Đà Lạt, có diện tích 320km. Đặc trưng của hồ là nó được bao bọc bởi rừng thông xanh mát cho du khách cảm giác bình yên và tận hưởng những cung đường tuyệt đẹp. Ngoài đi dạo quanh hồ và tận hưởng cảnh quan thơ mộng, thì nơi đây cũng là địa điểm lý tưởng cho những cuộc picnic, cắm trại và tham gia các hoạt động như cưỡi ngựa, leo núi, câu cá hoặc đạp vịt quanh hồ…
Chèo thuyền trên hồ Tuyền Lâm
* Nhà thờ con gà (Số 15 Trần Phú, P.3, tp. Đà Lạt)
Nhà thờ con gà hay còn gọi là nhà thờ Chánh Tòa Đà Lạt – đây là nhà thờ lớn nhất Đà Lạt, một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu và cổ xưa nhất của thành phố này do người Pháp để lại, trên đỉnh tháp chuông có hình con gà trống lớn là biểu tượng của nước Pháp. Nhà thờ con gà được thiết kế theo kiểu mẫu của các nhà thờ công giáo Roma ở châu Âu, tiêu biểu cho trường phái kiến trúc Roma.
Nhà thờ Con Gà
* Nhà thờ Domaine De Marie (Số 1 Ngô Quyền, P.6, tp. Đà Lạt)
Nhà thờ Domaine tọa lạc trên quả đồi Mai Anh thuộc đường Ngô Quyền nên còn được gọi là nhà thờ Mai Anh, cách trung tâm thành phố Đà Lạt hơn 1km về hướng Tây Nam. Bố cục kiến trúc của nhà thờ này có nhiều điểm cách tân so với các nhà thờ cổ điển phương Tây, lối vào chính tách ra hai bên thang và nhập lại tại sảnh chính. Đặc biệt là nhà thờ Domaine de Marie không có tháp chuông trên đỉnh như vẫn thường thấy trong các kiến trúc của nhà thờ khác, và phía trong nhà thờ có tượng Đức Mẹ đứng trên quả địa cầu được tạc theo hình mẫu của phụ nữ Việt Nam do một kiến trúc sư người Pháp thiết kế.
Nhà thờ Domaine de Marie
Đây là một công trình kiến trúc độc đáo vừa mang hình thức kiến trúc Châu Âu, vừa mang dáng dấp của kiến trúc truyền thống địa phương khiến nhà thờ hiện lên một vẻ đẹp uy nghiêm, đồ sộ và hấp dẫn.
* Nhà thờ Cam Ly (Số 1 Nguyễn Khuyến, P.5, tp. Đà Lạt)
Khác hẳn hai nhà thờ trên, nhà thờ Cam Ly được dành riêng cho đồng bào các dân tộc thiểu số, vì thế nó mang một sắc thái khác biệt hoàn toàn. Đó là một công trình kiến trúc độc đáo cách điệu từ mái nhà rông của đồng bào Tây Nguyên kết hợp hài hào với kiến trúc miền Nam nước Pháp, và được thể hiện theo tinh thần trường phái kiến trúc thô mộc.
Nhà thờ Cam Ly
Nhà thờ Cam Ly được xây dựng từ năm 1959 và hoàn thành vào năm 1967, từ ý tưởng của linh mục người Pháp Boutary về một ngôi nhà chung của Chúa và Yàng. Nhà thờ nhìn xa giống như lưỡi búa khổng lồ nằm vắt ngang trời , gợi lên hình ảnh dụng cụ lao động, vũ khí thô sơ gắn liền với đời sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Nhà thờ có không gian được soi sáng bởi ánh sáng huyền ảo từ các ô cửa kính màu hình vuông, hình tam giác tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời. Hơn nữa, kết cấu xây dựng và các đồ vật trong nhà thờ đều mang âm hưởng của Tây Nguyên (gỗ, sừng trâu, hình tượng hổ…). Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhà thờ Cam Ly vẫn giữ vẻ đẹp nguyên sơ của nó như buổi đầu mới xây dựng. Đến đây, du khách không chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nhà thờ mà vẻ đẹp toát lên từ tấm lòng của các sơ cũng làm ấm lòng du khách.
* Trường Cao đẳng sư phạm Đà Lạt (29 Yersin, P.10, tp. Đà Lạt)
Trường cao đẳng sư phạm Đà Lạt được người Pháp xây dựng năm 1927 do thiết kế và chỉ đạo xây dựng trực tiếp từ kiến trúc sư Moncet, mất 8 năm thì hoàn thành. Trường lúc đầu có tên gọi Petit Lycée Da Lat là nơi chuyên dành cho việc giảng dạy, học tập của con em người Pháp và một số gia đình người Việt giàu có lúc bấy giờ. Sau hai lần đổi tên năm 1932 và năm 1935, đến nay trường có tên là Lycée Yersin để tưởng nhớ bác sĩ Alexandre Yersin người Pháp gốc Thụy Sĩ có công khai sinh ra thành phố Đà Lạt
Trường Cao đẳng sư phạm Đà Lạt
* Ga Đà Lạt (Số 1 Quang Trung, P.10, tp. Đà Lạt)
Mặt trước nhà ga Đà Lạt
Ga Đà Lạt tọa lạc ở dốc đường Yersin, được thiết kế bởi hai kiến trúc người Pháp là Moncet và Reveron, khởi công xây dựng từ năm 1932 và hoàn thành vào 6 năm sau. Trước đây, nhà ga đi vào hoạt động với tuyến đường sắt nổi dài 84km nối từ Tháp Chàm – Đà Lạt – Nha Trang – Sài Gòn. Hiện tại, tuy đã ngừng hoạt động với chức năng vận chuyển, nhưng ga Đà Lạt vẫn mở cửa phục vụ khách du lịch có cơ hội ngắm quang cảnh thơ mộng của thành phố trên tuyến dài 7km từ tp Đà Lạt đến thị trấn Trại Mát.
Hệ thống xe lửa cổ phía trong nhà ga
Ga Đà Lạt được xếp hạng là một trong những nhà ga cổ và có kiến trúc đẹp nhất Đông Dương với sự cách điệu của 3 đỉnh núi Langbiang và nhà rông ở Tây Nguyên. Chính vì thế, nhà ga thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chụp hình lưu niệm.
* Chợ Đà Lạt
Chợ Đà Lạt tọa lạc trên trục đường chính Nguyễn Thị Minh Khai, ngay trung tâm thành phố Đà Lạt, được xây dựng năm 1929. Ban đầu, chợ thường được người dân địa phương gọi là “Chợ Cây” bởi các nguyên liệu sơ khai để xây dựng đều bằng gỗ. Sau qua nhiều lần quá tải và nguyên nhân thẩm mỹ…chợ đã được chỉnh trang xây mới và thiết kế với kiến trúc độc đáo cùng các quầy hàng thương mại dịch vụ như hiện nay. Đây không chỉ là một trung tâm buôn bán sầm uất mà còn là một di tích lịch sử quan trọng của thành phố này.
Nông sản dâu tây tại chợ Đà Lạt
Chợ Đà Lạt khá phong phú với các chủng loại hàng hóa gồm các đặc sản Đà Lạt (dâu tây, hồng, mứt, rượu vang, mứt…) đến các gian hàng bình dân. Chợ không mở cửa vào đêm nhưng gần đây, chợ đêm Đà Lạt (hay còn gọi là chợ Âm Phủ)lại hoạt động phía bên ngoài và dọc trục đường chợ, chủ yếu phục vụ khách du lịch như các quầy ăn uống đặc sản ba miền, các quầy hàng rau quả, hàng len… Đây là điểm tham quan không thể thiếu khi ghé Đà Lạt – nơi giới trẻ mách nhau thưởng thức thiên đường những loại thức ăn nóng hổi đúng chất “vừa thổi vừa ăn”.
Bánh tráng nướng tại chợ đêm
* Dinh Bảo Đại (số 1 Triệu Việt Vương, tp. Đà Lạt)
Dinh Bảo Đại bao gồm Dinh I, Dinh II, Dinh III. Trong đó, Dinh III được đông đảo du khách tham quan nhất vì đây là nơi sinh thời vua Bảo Đại sống, sinh hoạt và làm việc (vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn), được bảo tồn nguyên vẹn nhất khiến cho du khách có thể cảm nhận một bầu không khí vừa uy nghiêm lại vừa gần gũi, ấm cúng của một đại gia đình hoàng tộc.
Dinh III - Dinh Bảo Đại
Dinh III là biệt thự nghỉ hè của vua Bảo Đại được xây dựng từ năm 1933 đến năm 1937, nằm trên đường Triệu Việt Vương, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 2km về hướng Tây Nam trên một đồi thông cao 1539m. Về hình thức, Dinh III là một trong những công trình chịu ảnh hưởng của trào lưu cách tân về kiến trúc ở châu Âu, phía bên phải cổng vào và phía sau dinh có một vườn hoa nhỏ theo kiểu vườn hoa ở các cung điện Pháp. Biệt điện có 25 phòng ngủ, 2 tầng lầu:
* Biệt điện Trần Lệ Xuân (Số 2 đường Yết Kiêu, tp. Đà Lạt)
Từ xưa, mảnh đất Đà Lạt đã là nơi xây dựng biệt thự nghỉ dưỡng của các nhà chính khách và và các thương gia nước Pháp kinh doanh tại nước ta. Để lại ngày nay là một số lượng biệt thự đáng kể với những phong cách và lối kiến trúc khác nhau, nhưng nhìn chung, các ngôi biệt thự đều thể hiện sự sa hoa và vị thế của chủ nhân xây dựng. Biệt điện Trần Lệ Xuân là một trong số đó, nơi được mệnh danh là “Đệ nhất trời Nam” thời bấy giờ. Tọa lạc trên đồi Lam Sơn yên tĩnh, biệt điện được xây dựng vào năm 1958 với khuôn viên rộng đến 13000m2, gồm ba ngôi biệt thự lớn được xây dựng theo những lối kiến trúc và mục đích khác nhau:
Ở giữa biệt điện là một hồ sen tinh tế nằm cân đối giữa ba ngôi biệt thự và toàn bộ biện điện được bao bọc bởi rừng thông, phía sau có vườn hoa và hồ nước. Đặc biệt khi được bơm đầy sẽ hiện lên hình bản đồ Việt Nam và bản đồ ấy có chứa cả dải phân cách vĩ tuyến 17 chia đất nước ta thành hai miền Nam – Bắc.
* Biệt thự Hằng Nga (Số 3 Huỳnh Thúc Kháng, tp. Đà Lạt)
Biệt thự Hằng Nga hay còn được gọi là “ngôi nhà quái dị” đã trở thành một trong những điểm tham quan hấp dẫn của Đà Lạt. Công trình do nữ kiến trúc sư Đặng Việt Nga thiết kế, xây dựng từ năm 1990 theo trào lưu thiên nhiên – hữu cơ như các công trình của Antonio Gaudi ở Barcelona. Tuy nhiên nội thất bên trong rất hiện đại, khách tham quan sẽ có cảm giác như đến thăm xứ sở thần tiên của Alice khi ngắm các ô cử sổ lồi lõm, có hình thù kỳ lạ. Biệt thự gồm khách sạn Hốc Cây và lâu đài Mạng Nhện, đó là hai thân cây cổ thụ làm bằng bê tông, trong đó có những gian phòng mang tên hang của các loài vật như Kangoroo, Hổ, Gấu, Khỉ…và để lên được những hang này, khách phải đi qua một cầu thang bao vòng quanh thân cây. Điều đặc biệt là thiết kế của biệt thự được bài trí một cách tùy hứng, hơi có phần quái dị và rất gần gũi thiên nhiên. Điều này cũng là ý nguyện nhắn nhủ của kiến trúc sư đối với mọi người: hãy yêu thương và bảo vệ thiên nhiên.
Biệt thự Hằng Nga
Những điểm du lịch trên vừa là những thắng cảnh nổi tiếng, song chúng cũng ẩn chứa những dấu ấn lịch sử mang đậm tính truyền thuyết của người dân nơi đây. Bên cạnh đó, cũng còn có nhiều những điểm tham quan được rất nhều bạn trẻ check in như quảng trường thành phố với tòa nhà thiết kế hình bông hoa dã quỳ và bông atiso độc đáo, nhà thiếu nhi Đà Lạt...
Nguồn:St