Mùa xuân là mùa của những lễ hội, mùa của sự sinh sôi nảy nở giữa đất và trời, mùa của những vườn hoa đào, hoa mận trắng. Cuối xuân đầu hạ, du khách có thể tham gia chợ tình Khâu Vai và chính hạ là mùa nước đổ trên những ruộng bậc thang lúa cấy. Sang thu, là những cánh đồng lúa chín vàng, mùa thu hoạch của người dân Hà Giang. Cận đông là thời điểm của những cánh đồng hoa cải, hoa tam giác mạch. Bởi lẽ đó, đối với Hà Giang, đi du lịch mùa nào cũng có những điều đặc biệt để trải nghiệm, hơn nữa chính cao nguyên đá Đồng Văn – điểm đến được công nhận là công viên địa chất toàn cầu càng thôi thúc du khách ghé thăm.
Cổng trời Quản Bạ. (Nguồn: internet)
Cổng trời Quản Bạ là cửa ngõ đầu tiên lên cao nguyên Đồng Văn. Năm 1939, thực dân Pháp xâm lược đã từng xây dựng bức tường đá và đặt một cánh cửa khổng lồ bằng gỗ nghiến dày 1,5 mét ở ngay cổng trời để kiểm soát con đường núi duy nhất trên cao nguyên đá, đây là điều khiến cổng trời Quản Bạ trở thành cánh cổng đặc biệt nhất so với cổng trời Ô Quý Hồ Hoàng Liên Sơn (Sa Pa), cổng trời trên chùa Linh Quy Pháp Ấn (Lâm Đồng), hay cổng trời tại mũi Nghinh Phong (Vũng Tàu). Tuy nhiên do điều kiện của thời tiết nắng mưa gió rét ở vùng đất này mà qua hàng chục năm đến nay cánh cổng không còn nữa, hiện nay nó đã được thế vào đó một tấm biển ghi dòng chữ “Cổng trời Quản Bạ”, tuy không được cổ kính như xưa nhưng du khách đặt chân đến vẫn có cảm giác lâng lâng huyền ảo.
Dinh thự vua Mèo Vương Chính Đức thuộc huyện Đồng Văn, được xem là một công trình với kiến trúc đặc sắc bậc nhất của tỉnh Hà Giang, đã được nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Dinh thự nằm giữa thung lũng Sà Phìn, được vua Mèo thuê thợ giỏi người Trung Quốc và người Mông xây trên một khối đất nổi cao như hình mai rùa trong gần 10 năm, đến nay đã gần 100 năm tuổi. Kiến trúc mô phỏng thành quách của nhà Thanh Trung Hoa này đã thu hút rất nhiều lượt tham quan, khám phá của du khách thập phương.
Dinh vua Mèo
Khu phố cổ nằm trong trung tâm của thị trấn Đồng Văn, những ai đã từng đến Hà Giang chắc không thể bỏ qua cơ hội ghé thăm khu phố cổ dù chỉ với 40 nóc nhà nằm xếp nhau. Nét độc đáo ở đây chính là lối kiến trúc mang đậm dấu ấn của người Hoa từ khi họ bắt đầu sinh sống vào khoảng đầu thế kỷ 20. Đặc sắc hơn là chợ phố cổ Đồng Văn do người Pháp quy hoạch từ những năm 1920, thế nhưng công trình này cũng được xem như còn nguyên vẹn cả về kiến trúc và văn hóa cho đến tận bây giờ giống như kiến trúc nhà Pháp trên đỉnh Bà Nà, Sa Pa hay Đà Lạt. Những năm gần đây, du khách đến thăm còn mong muốn được chiêm ngưỡng cảnh đẹp của “Đêm phố cổ” được tổ chức vào những ngày 14,15,16 âm lịch hàng tháng với đèn lồng đỏ do người dân treo đồng loạt khắp phố và trưng bày thổ cẩm, bày bán các món ăn truyền thống…
Phố cổ Đồng Văn
Sủng Là được ví như là một ốc đảo bởi đây là thung lung nằm trọn trong cao nguyên đá Đồng Văn, cũng là nơi sinh sống của những hộ gia đình người Mông chân chất, mộc mạc. Cuộc sống tự cung tự cấp với những lúa, ngô,… tuy đơn sơ nhưng với tình người ấm áp, Sủng Là luôn níu chân du khách mỗi khi đến thăm.
Hoa tam giác mạch dưới thung lũng Sủng Là
Điều đặc biệt, nơi đây được nhắc đến là nơi lý tưởng nhất để ngắm cánh những cánh đồng hoa cải, cánh đồng hoa tam giác mạch. Tam giác mạch là loài hoa gắn liền với câu chuyện lập đất, lập làng, kể về nàng Tiên Gạo và nàng Tiên Ngô đi gieo hạt nơi hạ giới, còn mày trấu, mày ngô không biết làm gì nên đổ vào khe núi. Cây lúa, cây ngô lớn lên cho hạt, người dân lấy về ăn. Khi đã hết cái ăn, mà mùa sau vẫn chưa tới khiến cả làng phải chia nhau đi tìm cái ăn. Một ngày, họ phát hiện ở khe núi có một rừng hoa trải dài, họ mang hạt loài hoa này về ăn thử, thấy ngon không kém ngô, gạo. Vì nảy lên từ mày lúa, lại có hình tam giác, nên hoa “tam giác mạch” cũng có tên từ đó. Ngày nay, du khách thường xuyên chọn Hà Giang là điểm đến du lịch vì xu hướng ngắm hoa tam giác mạch vào độ tháng 10, tháng 11 hàng năm.
Nơi địa đầu của Tổ Quốc với độ cao 1.470m so với mực nước biển, cột cờ được dựng từ thời triều Lý trên đỉnh Long Sơn với lá cờ rộng 54m2 được dụ ý như hồn thiêng của 54 dân tộc Việt Nam. Cột cờ Lũng Cú vẫn đang và sẽ là mơ ước được chinh phục của rất nhiều du khách khi đến với mảnh đất Hà Giang.
Cột cờ Lũng Cú
Căng Bắc Mê trước đây được thực dân Pháp xây dựng dưới sườn núi Rồng thuộc xã Yên Cường, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang. Căng dựa lưng núi, mặt hướng song Gâm nên được lập nên để kiểm soát tuyến đường giao thông nối ba tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang. Giống như Côn Đảo, nơi đây từng giam giữ, cầm tù nhiều chiến sĩ cách mạng của Đảng ta cùng với một hệ thống đồn bốt, vọng gác, nhà thông tin phục vụ cho bộ máy cai trị của chúng. Xung quanh Căng là một hệ thống tường thành bao quanh dài khoảng 190 mét, tường thành được xây vỉa dày 40cm, cao 2m, cứ 5 -10m có một lỗ châu mai hình vuông.
Khu di tích lịch sử Căng Bắc Mê
Qua nhiều năm tháng biến đổi của khí hậu khiến Căng cũng bị hư hỏng nghiêm trọng. Đến nay, Căng Bắc mê đã được địa phương trùng tu lại đón nhiều lượt khách du lịch về đây tìm hiểu một thời chiến tranh quyết liệt của các tù nhân cộng sản Việt Nam.
Đây là một ngôi chùa nhỏ thuộc xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Cùng với vị thế đẹp, lưng tựa núi Nùng mặt hướng ra dòng suối Thích Bích, bên hữu là ngọn núi có thế Hổ phục, bên tả là ngọn núi có thế Rồng chầu, xa hơn phía trước là dòng sông Lô uốn lượn, tạo nên phong thủy và cảnh sắc hữu tình cho ngôi chùa này. Chùa được xây dựng năm 1356 do một vị tướng thời vua Trần Dụ Tông và được xếp hạng di tích quốc gia năm 1992. Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, chàu đã nhiều lần đổ nát, tượng phật và đồ thờ bị mai một nhưng chỉ hai tấm bia đá và quả chuông bằng đồng vẫn còn trường tồn , trong đó đáng chú ý hơn vẫn là tấm bia dựng dưới triều vua Trần Dụ Tông (1367) được xem là bảo vật quốc gia. Đến nay, ngôi chùa đã được xây dựng lại và trung tu hàng năm nên thu hút lượng đông khách du lịch và khách thập phương thường quy tụ về đây vào ngày rằm tháng giêng để tham gia lễ hội truyền thống của người Tày – lễ hội Lồng tồng.
Chùa Sùng Khánh – Hà Giang
Làng thổ cẩm Lùng Tám thuộc huyện Quản Bạ, tỉnh hà Giang. Hà Giang là mảnh đất của phần lớn người Mông sinh sống, trang phục thổ cẩm họ mang trên người đã trở thành nét văn hóa thu hút sự chú ý và gây hứng thú đối với mỗi khách du lịch miền xuôi lên đây. Điều đặc biệt là chấy liệu lanh hoàn toàn từ địa phương, mỗi sản phẩm đều mang những nét hoa văn truyền thống của ngời Mông, hình ảnh mang đậm chất của đời sống vùng cao nguyên đá cùng với công nghệ dệt vải bằng khung dệt thủ công và không có sự can thiệp của mấy móc đã giúp sản phẩm thổ cẩm thể hiện tính dân tộc sâu sắc và luôn lạ mắt đối với mỗi khách hàng. Bởi lẽ đó, Lùng Tám ngày càng trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách đến thăm.
Dệt thổ cẩm Lùng Tám
Dòng thác này thuộc thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, nằm dưới chân núi Tây Côn Lĩnh, gồm có 4 thác lớn chảy dọc theo một khe lớn theo hướng Đông Bắc sang hướng Đông Nam với lưu lượng nước nhiều, độ dốc lớn và chảy đều quanh năm. Hơn nữa, dưới chân thác còn có những khối đá tự nhiên xếp chồng nhau, khiến quang cảnh nơi đây trong lành, mát mẻ, tạo nên hứng thú cho mỗi đoàn khách du lịch.
Thác Thí
Hang động này nằm trên địa phận thôn Lùng Khúy, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ nên được gọi theo tên thôn là động Lùng Khúy, đây là hang động được đánh giá là đẹp và nguyên sơ nhất được phát hiện từ trước đến giờ của tỉnh Hà Giang, với nhiều nhũ đá mang hình kỳ thú: hình đức phật quan thế âm, hình sư tử, hình mèo… Cảnh sắc ấy tạo nên cảm giác huyền ảo và hút mắt người tham quan.
Động Lùng Khúy
Hang Bách Sơn nằm ở độ cao trên 200 mét so với mực nước lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, thuộc xã Thượng Tân, huyện Bắc mê, tỉnh Hà Giang. Đây là hang được bao quanh bởi rừng nghiến nguyên sinh. Cửa hang chỉ cao 20 mét nhưng bên trong rộng và sâu đến hàng ngàn mét, với vô số nhũ đá có hình khối kỳ lạ, cùng các dòng thạch chảy tạo nên vẻ đẹp quyến rũ và hoang sơ.
Bên cạnh những hang động lớn đã từng được nhiều người tìm đến, Hà Giang còn có nhiều hang động độc đáo mới bắt đầu được khám phá như hang Nà Luồng, hang Phương Thiện, Động Én, hang Tùng Bá, hang Nặm Pạu… và những cửa khẩu trước đây phục vụ mục đích thương mại nhưng gần đây cũng là điểm hẹn du lịch của nhiều du khách:
Cửa khẩu Thanh Thủy
Ngoài những địa danh thắng cảnh mà trời phú cho vùng đất này, Hà Giang còn độc đáo bởi nét đẹp trong văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số người Mông, người Dao,…tất cả đã hòa quyện tạo nên một sức hút đối với những ai chưa từng được khám phá và ngay cả những du khách đã từng đặt chân ghé qua.
Nguồn: Internet