Đất Cố Đô -- Mách bạn một số điểm đến tại Huế

12/04/2018 - Lượt xem: 1068

Những ai đã từng đến Huế, người ta thường nhắc về Đại nội – thủ phủ của triều Nguyễn, về những lăng tẩm, đền đài, về bức tranh sông Hương núi Ngự… phong cảnh hữu tình luôn khiến những ai đi xa đều muốn ghé trở về, những ai chưa từng đến cũng mong một lần ghé thăm, để được tận mắt thấy được nét nguy nga tráng lệ nhưng cũng ẩn chứa những huyền bí về triều đại phong kiến cuối cùng của đất nước. Không những thế, cả con người, văn hóa, ẩm thực của Huế cũng là những điều khiến du khách bị níu chân. Khách đi du lịch Huế có rất nhều lựa chọn điểm đến, tuy nhiên bài viết dưới đây chỉ mang tính chất gợi ý một số điểm đáng dừng chân tham quan cho du khách tại khu vực thành phố Huế

  • Đại Nội

Hoàng thành Huế

Đây thường  là điểm dừng chân đầu tiên của du khách khi đến Huế, Đại Nội là một công trình kiến trúc đồ sộ được phỏng theo kiến trúc của triều đại Trung Hoa, với bức tường thành cao 4m, dày 1m vây quanh toàn khuôn viên Đại Nội, bên ngoài còn có một hệ thống hào bao bọc và bốn cửa chính Nam (Ngọ Môn, cửa Bắc (cửa Hòa Bình), cửa Đông (cửa Hiển Nhơn), cửa Tây (cửa Chương Đức). Tuy nhiên, khách du lịch thường xuyên vào qua cửa Ngọ Môn – cửa chính  nhìn ra cột cờ Đại Nội. vào bên trong, du khách có thể tham quan chi tiết các cung điện và đời sống thường nhật trong cung: Điện Thái Hòa, các miếu thờ, cung Diên Thọ, cung Trường Sanh, Điện Cần Chánh, Hiển Lâm Các, Cửu Đỉnh…

  • Điện Thái Hòa: Được vua Gia Long cho khởi công xây dựng năm 1805, thiết triều lần đầu năm 1806. So với tất các các cung điện khác ở Huế hiện nay, điện Thái Hòa là công trình kiến trúc quan trọng nhất bởi đây đặt ngai vàng của nhà vua – tượng trưng cho quyền lực của nhà nước phong kiến. Đây còn là nơi cử hành các nghi lễ trọng đại của triều đình như lễ Đăng quang, lễ Vạn thọ, lễ Quốc khánh, lễ tiếp đón sứ thần chính thức và các buổi đại triều tổ chức  vào ngày 1 và 15 âm lịch hàng tháng.
  • Khu vực các miếu thờ: được bố trí ở phía trước, hai bên trục dọc của Hoàng Thành theo thứ tự từ trong ra gồm: Triệu Tổ Miếu (thờ Nguyễn Kim), Thái Tổ Miếu (thờ các vị chúa Nguyễn), Hưng Tổ Miếu( thờ Nguyễn Phúc Luân), Thế Tổ Miếu(thờ cá vị vua nhà Nguyễn)
  • Khu vực Cửu Đỉnh và Hiển Lâm Các:

Cửu Đỉnh một công trình kiến trúc đưuọc đúc bằng đồng vào năm 1936 vào thời Minh Mạng. Cửu Đỉnh được dùng làm biểu tượng cho sự giàu đẹp, thống nhất của đất nước và ước mơ bền vững của triều đại. Trên mỗi đỉnh có khắc một tên riêng bằng chữ Hán, tên được lấy từ miếu hiệu (tên để thờ cúng )của mỗi vị vua nhà Nguyễn và được xem là biểu tượng của nhà vua đó.

Hiển Lâm các: Công trình cao 13 mét và là tòa cao nhất trong Đại Nội, tòa này có 3 lầu được xây dựng vào thời vua Minh Mạng để làm nơi ghi lại công lao của các vị vua NGuyễn và các công thần đã có công dựng nước. Chính vì thế mà Hiển Lâm Các cho đến nay vẫn được tôn tạo và bảo tồn gần như nguyên vẹn.

  • Khu vực dành cho bà nội và mẹ vua (phía sau, bên phải), gồm hệ thống cung Trường Sanh (dành cho các Thái hoàng Thái hậu) và cung Diên Thọ (dành cho các Hoàng Thái hậu).
  • Khu vực dành cho các hoàng tử học tập, giải trí như vườn Cơ Hạ, Điện Khâm văn… (ở phía sau, bên trái)
  • Khu vực Tử Cấm Thành (nằm trên cùng một trục Bắc – Nam với Hoàng Thành và Kinh Thành), gồm một vòng tường thành bao quanh khu vực các cung điện: Điện Cần Chánh (nơi vua tổ chức lễ Thường triều) là một công trình kiến trúc bằng gỗ có quy mô gần bằng điện Thái Hòa, Điện Càn Thanh (chỗ ở của vua), Cung Khôn Thái (chỗ ở của Hoàng Quý phi – vợ chính của vua), Lầu Kiến Trung (từng là nơi ở của vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương), nhà đọc sách Thái Bình Lâu  và các công trình khác phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt  của nhà vua và gia đình như Thượng Thiện Đường (nơi phục vụ ăn uống), Duyệt Thị Đường (nhà hát Hoàng cung)…
  • Các lăng tẩm

Đã có ý kiến cho rằng “chỉ riêng lăng tẩm của các vị vua nhà Nguyễn không thôi cũng đủ có giá trị đối với du lịch rồi”. Song do nhwungx biến cố của lịch sử cho đến nay, hệ thống lăng tẩm của các vị vua triều Nguyễn chỉ còn lại 7 khu lăng tẩm. Mỗi một lăng vua  là một thành tựu tuyệt mỹ rất thu hút sự chú ý và tìm hiểu tham quan của khách trong cũng như ngoài nước, nhưng tiêu biểu nhất vẫn là lăng Tự Đức, lăng Minh Mạng, lăng Khải Định

Lăng Minh Mạng

Lăng Minh Mạng

Lăng Minh Mạng hay còn gọi là Hiếu lăng, nằm trên núi Cẩm Khê, gần ngã ba Bằng Lãng là nơi hội lưu của hai dòng sông Hữu Trạch và Tả Trạch hợp thành sông Hương, cách cố đô Huế 12km. Lăng Minh Mạng là nơi có huyệt kết hội tụ mọi tinh hoa của long mạch và được xây dựng từ năm 1840 đến năm 1843 thì hoàn thành với sự huy động của mười nghìn thợ và lính. La Thành lăng Minh Mạng đưọc xây dựng năm 1841 với chu vi 1750m có chức năng bảo vệ quần thể kiến trúc gồm cửa chính, sân chầu, nhà bia, sân tế, Hiển Đức môn, điện Sùng Ân (thờ vua Minh Mạng và Hoàng hậu), hồ Trừng Minh, Minh Lâu, hồ Tân Nguyệt, cổng tam quan Quang Minh Chính Trực, Trung Đạo kiều và Bửu thành (mộ vua Minh Mạng). Từ ngoài vào trong, các công trình kiến trúc được phân bố trên ba trục song song với nhau và đường thần đạo là trục trung tâm (dài 700m).

Đại Hồng môn: cửa chính của lăng chỉ để rước linh cữu của vua nhập lăng, sau cửa này được đóng kiên cố và chỉ sử dụng hai cửa bên là Tả Hồng môn hà Hữu Hồng môn. Trên nóc tầng mái đắp nổi một hình mắt trời, hai bên có hai con cá chép chầu vào. Mô típ này được coi là tiêu biểu cho loại cổng tam quan, là biểu trưng của sự cầu mưa, cầu hạnh phúc no đủ.

Sân chầu Bái đình có hình vuông, lát gạch Bát Tràng có hai hàng tượng quan văn, quan võ, voi ngựa bằng đá đứng chầu ở hai bên. Cuối sân là Bi Đỉnh, tọa lạc trên Phụng Thần Sơn, bên trong có bia “Thánh Đức Thần Công” do vua Thiệu Trị viết về tiểu sử và công đức của vua cha.

Điện Sùng Ân: Bên trong thờ bài vị của vua và bà Thiên Nhân Hoàng Hậu

Hồ Tân Nguyệt: Hình trăng non ôm lấy khu mộ vua (Bửu thành), ở chính giữa hồ có một cây cầu mang tên Trung Đạo Kiều, nối Minh Lâu với Bửu thành

Bửu thành: là một quả đồi thông hình tròn, bao quanh bởi tưởng thành, bên trong, sâu phía dưới là mộ vua, phía sau Bửu thành là rừng thông xanh thẳm, đem lại cảm giác u tịch.

Bố cục kiến trúc đăng đối của các hạng mục chính trong lăng đem lại cho lăng một vẻ uy nghiêm cần có của công trình lăng mộ.  Tuy vậy, ở ngoài rìa, men theo con đường dạo quanh vòng hai hồ nước , xung quanh lăng công trình kiến trúc còn khiến du khách muốn dừng chân ngắm cảnh như đình ĐIếu Ngư, gác Ngênh Phong, hiên Tuần Lộc, sở Quan Lan…làm cho toàn bộ quần thể lăng uy nghiêm nhưng vẫn hài hòa với thiên nhiên.

Lăng Tự Đức

Lăng Tự Đức

Lăng Tự Đức là một quần thể công trình kiến trúc cầu kỳ, phong cảnh sươn thủy hữu tình và là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của vua chúa nhà Nguyễn, trong đó có nơi chon cất vua Tự Đức, tọa lạc trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng, nay thuộc làng Thủy Xuân, thành phố Huế.

Hầu hết các lăng tẩm triều Nguyễn xây dựng ở phía Tây, bởi quan niệm vua là Thiên Tử, kiểu trưng là hình ảnh mặt trời và khi vua băng hà, vua và mặt trời cùng hướng về phía Tây, về thế giới của sự vĩnh hằng. Lăng vua Tự Đức được khởi công xây dựng năm 1864 và hoàn thành năm 1867. Lúc đầu xây dựng, lăng có tên là Vạn Niên Cơ, với mơ ước lăng sẽ trường tồn mãi mãi. Theo dự định công trình sẽ được hoàn thành trong 6 năm với khoảng 3000 lính và thợ nhưng các quan giám sát xây dựng bắt dân binh lao động cực khổ trong điều kiện rừng thiêng nước độc, nhằm rút ngắn thời gian xây dựng. Trước sự bóc lột nặng nề mà dân binh vùng lên tham gia nhằm lật đổ vua Tự Đức bằng những công cụ lao động là chày vôi. Tuy cuộc khởi nghĩa bị thất bại nhưng thanh danh vua Tự Đức tổn thất nặng nề, từ sự kiện này mà trong dân gian có câu “Vạn niên là vạn niên nào/ Thành xây xương lính, hào đào máu dân”. Sau cuộc nổi loạn Chày Vôi, Tự Đức đổi tên thành Khiêm Cung. Sau khi nhà vua băng hàm, lăng được đổi tên là Khiêm Lăng. Mọi công trình lướn nhỏ trong lăng đều mang chữ Khiêm ở đây có nghĩa là kính, là nhường.

Hồ Lưu Khiêm

Toàn cảnh lăng Tự Đức như một công viên lớn, trong vòng La Thành 12ha gồm 50 công trình lớn nhỏ được phân bố dàn trải trên những thế đất phức tạp. Toàn bộ lăng được phân bố trên 2 trục song song cùng lấy núi Giáng Khiêm làm tiền án, lấy núi Dương Xuân làm hậu chuẩn, hồ Lưu Khiêm làm yếu tố minh đường.  Hồ là nơi vua dạo thuyền ngắm cảnh và cũng là nơi vua cho thả sen tạo cảnh quan. Trên hồ còn mọc lên những nhà tạ đó là Dũ Khiêm Tạ và Xung Khiêm Tạ, tuy quy mô của nhàf tạ này không bề thế, hoảnh tráng nhưng nó góp phần tạo nên sự phong phú cùng vẻ đẹp thanh thoát cho toàn bộ coong trình.

Hồ Tiếu Khiêm

Hồ có hình bán nguyệt, ý muốn nói rằng trăng khuyết lại đầy, cuộc đời có lúc trầm rồi sẽ có lúc thăng. Đây cũng là một quan niệm rất có ý nghĩa với vua Tự Đức, khi mà cuộc đời ông có quá nhiều biến cố và bất hạnh. Hồ được xây ngay trước phần mộ của vua còn mang một ý nghĩa sâu xa nữa, đó là hồ đựng nước mưa để linh hồn vua được rửa tội – điều này là thể hiện sự chu toàn của vua trong việc đón nhận cái chết, hồ Tiểu Khiêm được xây dựng ngay trước chính diện của Bửu Thành, chính là nơi chon cất thi hài của vua Tự Đức

Lăng mộ vua Tự Đức

Ngay phía trước khu bia mộ của nhà vua đều có tấm bình phong làm tiền án và hậu chấm. Tuy nhiên, thi hài của vị vua này đang ở vị trí nào thì không một ai biết. Tương truyền khi vua chết, đoàn quân đưa tang vua đi thuyền xuôi hồ Lưu Khiêm rồi vào đến đây thì đào một đường hầm xuống thẳng huyệt đạo và chôn cất thi hài vua ở một chỗ bí mật, xong thì lấp lại bằng đá thanh. Sau đó, những người đưa tang này không bao giờ trở ra nữa, và bí mật về vị trí chôn thi hài cho đến nay vẫn còn là một ẩn số.

Khu Tẩm điện

Khiêm Cung Môn thuộc khu Tẩm Điện là khu vực dành cho vua nghỉ ngơi mỗi khi đến đây. Chính giữa là điện Hòa Khiêm để vua làm việc, nay là nơi thờ cúng bài vị của vua và Hoàng Hậu. hai bên tả, hữu là là Pháp Khiêm Vụ và Lễ Khiêm Vu dành cho các quan văn võ theo hầu. Sau điện Hòa Khiêm alf ddienj Lương Khiêm, xưa là chỗ nghỉ ngơi của vua, về sau được dùng để thờ vong linh bà Từ Dũ – mẹ vua Tự Đức. Bên phải điện Lương Khiêm là Ôn Khiêm Đường – nơi cất đồ ngự dụng. Đặc biệt, phía bên trái điện Lương Khiêm có nhà hát Minh Khiêm để nhà vua xem hát, được coi là một trong những nhà hát cổ nhất của Việt Nam hiện còn. Từ điện Ôn Khiêm đi qua  một lối hành làng sẽ dẫn ra Trì Khiêm Viện và Y Khiêm Viện – là chỗ ở của các cung phi theo hầu nhà vua, ngay cả khi vua còn sống cũng như khi vua đã chết. Cạnh đó là Tùng Khiêm Viện, Dung Khiêm Viện và vườn nuôi nai của vua.

Người ta nói lăng tẩm cũng làm toát lên tính cách chủ nhân của nó, ở lăng Tự Đức, du khách sẽ bắt gặp sự mềm mại, nhõ nhã cũng như hiểu được những đức độ, tài năng của một vị vua anh minh của triều đại nhà Nguyễn.

Lăng Khải Định

Lăng Khải Định

Lăng Khải Định hay còn được gọi là Ứng lăng, là nơi yên nghỉ của vua Khải Định, nói lên rõ tính cách xa hoa của vua lúc sinh thời. Ra đời trong sự giao thoa văn hóa Đông – tây, tính văn hóa truyền thống bị phai mờ nhưng đã mở ra một cái nhìn mới , một kiến trúc mới. Ứng Lăng được tọa lạc trên núi Châu Chữ, lấy một quả đồi thấp ở phía trước làm tiền án, có khe suối Châu Ê chảy từ trái qua làm nơi thủy tụ, núi Chóp Vung bên tả và Kim Sơn bên hữu làm Tả Thanh Long và Hữu Bạch Hồ.

Ứng Lăng là công trình có diện tích nhỏ nhất so với lăng tẩm của các vị vua tiền nhiệm trong hệ thống lăng tẩm triều Nguyễn, nhưng lại là công trình được xây dựng kỳ công nhất, mất nhiều thời gian nhất và kinh phí xây dựng cũng nhiều nhất. Lăng chính thức được khởi công xây dựng năm 1920 và mãi 11 năm sau, đến năm 1931 mới hoàn tất. Tiến quân Đô thống phủ Lê Văn Bá là người chỉ huy với sự trưng tập nhiều thợ nghề và nghệ nhân nổi tiếng khắp cả nước như Phan Văn Tánh, Nguyễn Văn Khả, Ký Duyệt, Cửu Sừng… Vật liệu xây dựng lăng được sử dụng toàn bộ bằng sắt thép, xi măng, ngói… nhập từ nước Pháp. Bên cạnh đó, đồ trang trí bên trong Cung Thiên Định (công trình quan trọng nhất của Ứng Lăng) được nhập từ Nhật Bản, Trung Hoa về. Để có kinh phí xây dựng, vua Khải Định đã xin chính phủ Pháp cho tằng thuế điền trong nước lên 30% và sử dụng số tiền này để xây dựng lăng. Hành động này của vua đã bị lịch sử phê phán, gay gắt, nhân dân oán trách, để lại một hình ảnh không thể tốt về một vị Thiên Tử trong lòng dân.

Ứng Lăng là một khối hình chữ nhật, vươn lên cao năm tầng với 127 bậc, bắt đầu từ Cổng Tam Quan, đền Nghi Môn, qua sân Bái Đính có hai hàng tượng chầu quan văn , quan võ. Đến cuối sân là Bi Đình hình bát giác, trong đó có tấm bia khắc công đức của vua Khải Định do vua Bảo Đại viết. Hai bên nhà bia là hai Trụ Biểu tượng trưng cho hai ngọn nến soi sáng linh hồn của vua ở thế giới bên kia.

Cung Thiên Định nằm ở vị trí cao nhất của Ứng Lăng, có hình chữ nhật, nền lót đá cẩm thạch, toàn bộ nội thất trong cung đều được trang trí những phù điêu ghép bằng sành sứ và thủy tinh chia làm 5 phần thông nhau:

  • Tả - hữu Trực Phòng dành cho lính hộ lăng
  • Điện Khải Thành: nơi đặt án thờ vua Khải Định
  • Gian phòng chính giữa Cung Thiên Định là nơi đặt mộ vua, gian phòng được trang trí đẹp nhất lăng, bên trên phần mộ là tượng vua Khải Định bằng đồng mạ vàng được đúc tại Pháp năm 1922 đúng theo tỉ lệ 1:1, bên dưới ngai vàng là bậc Tam Tài: Thiên – Địa – Nhân, bên trên chỗ tượng vua ngồi là Bửu Tán.
  • Gian trong cùng và cao nhất Cung Thiên Định chính là nơi thờ bài vị của vua.

Tuy bị lên án dưới nhiều góc độ khác nhau nhưng Lăng Khải Định vẫn là một công trình có giá trị về mặt nghệ thuật và kiến trúc, góp phần làm phong phú và đa dạng quần thể lăng tẩm ở di sản Huế.

  • Chùa Thiên Mụ

Huế vốn là nơi quy tụ nhiều di tích thắng cảnh, nhiều ngôi chùa cổ  kính nổi tiếng của nước ta. Nhưng ngôi chùa được xem là cổ nhất và có vẻ đẹp cổ kính nhất là chùa Thiên Mụ. Chùa nằm trên đồi Hà Khê, trên bờ bắc sông Hương, phường Kim Long, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km về phía tây. Chùa được xây dựng vào năm 1601 bởi chúa tiên Nguyễn Hoàng – vị chúa đầu tiên của Đàng Trong. Xuất phát từ một truyền thuyết dân gian gắn liền với sự linh thiêng trong câu nói của một bà Mụ “Rồi đây sẽ có một vị chân cháu đến laaph chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh”. Do đó, chúa Nguyễn Hoàng đã cho xây dựng chùa cùng đặt tên là Thiên Mụ Tự hay còn gọi là chùa Linh Mụ.

Chùa Thiên Mụ

Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, chùa Thiên Mụ đã từng được dùng làm đàn tế đất dưới triều Tây Sơn, rồi trung tu tái thiết nhiều lần dưới triều vua Nguyễn, đến nay chùa vẫn còn kiến trúc quy mô lớn với tháp Từ Nhân (tháp Phước Duyên), đình Hương Nguyện, điện Đại Hùng, điện Địa Tạng, điện Quan Âm, và vẫn còn nguyên 2 tấm bia ghi chép thơ văn của nhà vua., chuông đồng. Chùa Thiên Mụ ngày nay còn là nơi có nhiều vật cổ quý giá không chỉ về mặt lịch sử mà còn cả về nghệ thuật. Những bức tượng Hộ Pháp, tượng Thập Vương, tượng Phật Di Lặc, tượng Tam Thế Phật…hay những hoành phi, câu đối đều ghi dấu những thời kỳ lịch sử vàng son của chùa Thiên Mụ.

  • Điện Hòn Chén

Điện Hòn Chén nằm dưới chân ngọn núi Ngọc Trản ( xưa có tên là Hương Uyển Sơn), ra đời vào thế kỷ thứ 16, nguyên là ngôi đền thờ nữ thần Po Nagar của người Chăm. Theo truyền thuyết dân gian Chăm, Bà là con của nữ Ngọc hoàng Thượng đế được sai xuống trần gian, bà có công lao tạo ra trái đất và các loại gỗ trầm, lúa gạo.

Điện Hòn Chén

Kiến trúc của toàn bộ ngôi đền hài hòa với quang cảnh thiên nhiên, gồm Minh Kính Đài – là điện thờ chính, mặt hướng ra sông, bên phải là Nhà Quan Cư, Trinh cát Viện, Chùa Thánh; bên trái là Dinh Ngũ Vị Thánh Bà; bàn thờ Các Quan, động thờ ông Hạ Ban, Am Ngoại Cảnh. Dưới bờ sông, cuối đường bên trái là Am Thủy Phủ. Ngoài ra, còn một số bệ thờ Phật, thờ Thánh Quan Công… và am nhỏ khác nằm rải rác như Am Cô Ngọc, Am Trung Thiên,…

Trong quần thể di tích cố đô Huế, điện Hòn Chén được xem là gắn với nhiều giai thoại nhất. Dân gian còn lưu truyền rằng xưa kia điện có tên là Hoàn Chén, bởi vua Minh Mạng trong một lần ghé thăm đã đánh rơi một chén ngọc xuống sông Hương, tưởng rằng không có cách gì lấy lại được thì bỗng có một con rùa to nổi lên ngậm chén ngọc trả lại cho vua. Tuy nhiên trong kiến trúc văn bằng sắc phong chính thức của các vua Nguyễn, ngôi điện xuất hiện với tên chính thức “Ngọc Trản Sơn Từ”, có nghĩa là đền thờ ở núi Ngọc Trản. Đến thời Đồng Khánh (1886- 1888), ngôi điện mới được đổi tên là Huệ Nam Điện (với ý nghĩa mang lại ân huệ cho vua nước Nam).

Điện Hòn Chén là ngôi đền duy nhất ở Huế có sự kết hợp nghi thức cung đình và tín ngưỡng dân gian. Vào tháng 3 và tháng7 âm lịch hàng năm, còn có đông đảo người dân và du khách thập phương đổ về đây để tham gia lễ hội Thiên Y A Na Thánh mẫu ( Lễ Vía Mẹ) với rất nhiều nghi lễ và được tổ chức long trọng, không chỉ có ý nghĩa đối với những tín đồ Thiên Tiên Thanh Giáo mà còn là đối với những người theo đạo thờ Mẹ, đạo hiếu, đạo làm người.

Lễ hội Thánh Mẫu tại đền Hòn Chén

Ngoài khu vực thành phố Huế còn có nhiều địa danh có những cảnh sắc thiên nhiên muốn níu chân du khách đáng phải kể đến như biển Lăng Cô, vườn Quốc Gia Bạch Mã, Đan Viện Thiên An, Chùa Huyền Không, khu du lịch sinh thái Suối Voi, Phá Tam Giang, Công viên Hồ Thủy Tiên,…hay du khách có thể đến thăm và khám phá các làng nghề truyền thống của Huế để có thể hòa mình vào thiên nhiên, cũng như trải nghiệm đời sống của người dân để hiểu rõ hơn về con người và văn hóa của miền đất Thần kinh.

Nguồn: St

, Hà Nội, Đống Đa,
">">">">">">">">">">">">">">