Chùa Cầu (còn gọi là Cầu Nhật Bản) là một ngôi chùa có kiến trúc đặc biệt nằm trên cây cầu vắt cong qua một lạch nước nhỏ chảy ra sông Hoài. Nơi đây được xem là linh hồn, là biểu tượng của người dân Hội An. Chùa được thiết kế “thượng gia hạ kiều, do các thương gia người Nhật cho xây dựng vào cuối thế kỷ 16. Chiếc cầu có chiều dài 18m, dáng hình chữ Công, mặt cầu bằng ván gỗ cong vòng ở giữa. Cầu có mái che uốn cong mềm và được chạm trổ nhiều họa tiết tinh xảo. Trên cửa chính của chùa Cầu có chạm nổi ba chữ “Lai Viễn Kiều” (có nghĩa là cầu của những người bạn từ xa đến) – tên do chúa Nguyễn Phúc Chu đặt trong một lần viếng thăm Hội An (1791). Trên sườn cầu có một ngôi miếu nhỏ thờ thần Bắc Đế Trấn Vũ – thần trấn trị phong ba, lũ lụt. Ở hai đầu cầu có đặt hai nhóm tượng khỉ và chó bằng gỗ ngồi chầu. lai lịch của chàu Cầu gắn liền với truyền thuyết về con Cù – một loại thủy quái có đầu nằm ở Ấn Độ, mình ở Việt Nam, phần đuôi ở tận Nhật Bản, và mỗi lần Cù cựa quậy là gây ra lũ lụt, động đất ở những nơi này. Vì vậy, ngoài việc xây dựng cầu để phục vụ giao thông, cây cầu còn hàm ý trấn yểm loài thủy quái, giữ cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Chùa Cầu
Chùa Cầu là tài sản vô giá, chính thức là biểu tượng của Hội An và được du khách chọn là điểm dừng chân ấn tượng khi đến Hội An.
Trước đây, Hội An từng là một cảng đô thị, nơi giao lưu buôn bán giữa các thương nhân nước ngoài chủ yếu là Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp…Vậy nên đời sống văn hóa sinh hoạt của người dân cũng chịu ảnh hưởng phần nào. Đặc biệt là lối kiến trúc nhà cổ - nó là sự kết tinh, giao thoa văn hóa giữa Việt Nam với các nước này, điều đó làm nên sự khác biệt cho hệ thống nhà cổ ở Hội An.
Kiểu nhà phổ biến ở Hội An là những ngôi nhà phố có một hoặc hai tầng với kết cấu kiểu nhà khung gỗ, hai bên tường có gạch ngăn cách. Những vật liệu chính dùng để xây dựng nhà ở đây đều có sức chịu lực và độ bền cao do đặc điểm khí hậu khắc nghiệt hàng năm của vùng miền (nắng nóng và mưa lụt). Khuôn viên của các ngôi nhà có chiều ngang hẹp và thường rất dài, đôi khi có nhà thông ra hai mặt phố, thuận tiện cho việc buôn bán. Kết cấu ngôi nhà thường chia làm nhiều gian, mỗi gain có chức năng riêng. Mặt tiền là nơi để mở cửa buôn bán, mặt sau thông với bến sông để làm nơi xuất, nhập hàng hóa. Vật liệu trang trí nội thất ngôi nhà chủ yếu là các loại gỗ quý và được chạm trổ rất tinh xảo các hình về giao long, hoa quả, bát bửu…thể hiện sự sung túc của các thế hệ chủ nhân.
Hội An hiện nay còn rất nhiều nhà cổ có niên đại hàng trăm năm vẫn bảo tồn khá nguyên vẹn về kiểu dáng kiến trúc và các bài trí nội thất, giúp ta hình dung được phần nào lối sống của những người thuộc tầng lớp thương gia ở thương cảng Hội An. Du khách đến đây có thể chọn tham quan một số ngôi nhà cổ tiêu biểu như:
Nhà cổ Tấn Ký (101 Nguyễn Thái Học): Ngôi nhà này được chủ hiệu buôn Tấn Ký người gốc Hoa xây dựng vào năm 1741, nơi đây đã có 7 thế hệ họ Lê sinh sống, đến đời thứ 2, cụ lấy tên hiệu là Tấn Ký để kinh doanh, buôn bán. Ngôi nhà còn giữ nhiều dấu tích minh chứng cho giai đoạn thương mại phồn thịnh với nước ngoài từ thế kỷ 18 đến nửa đầu thế kỷ 19. Đây là nhà cổ đầu tiên vinh dự trở thành Di sản quốc gia, nhiều lần đón tiếp các nguyên thủ, chính khách trong và ngoài nước.
Nhà cổ Tấn Ký
Nhà cổ Quân Thắng (77 Trần Phú): Nhà có niên đại hơn 150 năm, đây là một trong những ngôi nhà cổ nhất trong đô thị cổ, mang phong cách kiến trúc vùng Hoa Hạ Trung Hoa. Toàn bộ phần kiến trúc điêu khắc gỗ rất sinh động, tinh tế của ngôi nhà đều do nghệ nhân làng mộc Kim Bồng thực hiện.
Nhà cổ Quân Thắng
Nhà cổ Phùng Hưng (4 Nguyễn Thị Minh Khai): Nhà cổ Phùng Hưng là nơi chứng kiến sự ra đời nhiều thế hệ của gia đình Phùng Hưng. Nó có tuổi đời hơn 200 năm với sự kết hợp của 3 lối kiến trúc Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản, chủ nhân là một thương gia người Việt.
Nhà cổ Phùng Hưng
Nhà cổ Đức An (số 129 đường Trần Phú): có niên đại 180 năm . Nhà cổ này được xây dựng theo lối kiến trúc Việt, tận dụng tối đa ánh sáng tạo không gian thoáng đãng. Sau sự kiện chống thuế 1908, nhà Đức An chuyển sang bán thuốc Bắc. vào năm 1925 – 1926, nhà Đức An trở thành nơi gặp gỡ của những thanh niên và trí thức yêu nước trong khu vực.
Nhà cổ Diệp Đồng Nguyên: Ngôi nhà này được xây dựng vào cuối thế kỷ 19. Theo gia phả tại nhà cổ này, ông Diệp Ngộ Xuân là người họ Diệp đầu tiên từ Gia Ứng – Quảng Đông (Trung Hoa) sang Hội An vào thời Thanh Hàm Phong (1856). Với nghề thuốc bắc cha truyền con nối, ông tổ đã lập nên cơ ngơi đầu tiên cho dòng họ ở đường Trần Phú với tiệm thuốc bắc Diệp Đồng Xuân. Từ tiệm thuốc bắc chuyên buôn bán các cao đơn hoàn tán mang tên Nhị Thiên Đường, tiệm dần mở rộng thành đại lý cho hãng dầu lửa Shell, buôn bán lụa là, gấm vóc, sách vở…Đến nay, họ Diệp sống ở đây 5 thế hệ. Ngoài buôn bán, người họ Diệp còn có thú sưu tầm đồ cổ và lưu lại cho con cháu đời sau một bảo tàng vô giá với rất nhiều hiện vật cổ.
Nhà cổ Diệp Đồng Nguyên
Nhà thờ cổ tộc Trần: Nằm trong khu vườn rộng 1500m2 được bao bọc bằng bờ tường cao cùng cây cối xanh tươi và chịu ảnh hưởng bởi lối kiến trúc Á Đông mang phong cách Nhật Bản, Trung Hoa, ngôi nhà chia làm hai phần: phần chính để thờ cúng và phần phụ để vị trưởng tộc cũng như khách khứa ở. Mọi vật trong nhà đều được bố trí hài hòa, tuân thủ theo phép phong thủy nghiêm ngặt.
Nhà thờ cổ tộc Trần
Sử Trung Hoa kể rằng, vào thế kỷ XVII, năm 1649, ở Trung Quốc, nhà Thanh diệt nhà Minh, lập ra triểu Mãn Thanh. Các tướng lĩnh triều Minh không thuần phục, trỗi dậy phản Thanh phục Minh và đã bị thất bại. Nhiều người trong số họ đã đưa gia đình lên tàu vượt biển đến vùng Đông Nam Á, trong đó có Hội An. Họ đã xin chúa Nguyễn cho phép định cư ở Hội An, và thành lập ở đây làng Minh Hương, đó là những người đến từ năm bang chính: Triều Châu, Quảng Đông, Phúc Kiến, Hải Nam, Trung Hoa. Người Hoa sống mang tính cộng đồng cao, để đoàn kết cùng nhau buôn bán, tương trợ nhau khi hoạn nạn nên mỗi bang đã lập riêng một hội quán.
Về kiến trúc của các Hội Quán thường tuân thủ theo nguyên mẫu là: cổng lớn phía trước, tiếp đến một khoảng sân rộng, có trang trí cây cảnh, non bộ, và hai nhà phụ thờ Tả thần và Hữu thần, sau đó là phương đình (nơi tiến hành các nghi lễ), cuối cùng là nhà thờ, kiến trúc lớn nhất của tổng thể. Các hội quán đều được trang trí cầu kỳ với bộ khung gỗ được chạm trổ, sơn son thếp vàng, phần mái tô điểm các con thú bằng sành tráng men nhiều màu. Ngày nay, các hội quán tuy đã bị thay đổi sửa chữa nhiều, nhưng bộ khung gỗ vẫn bảo lưu được nhiều yếu tố gốc. Ngoài chức năng duy trì sinh hoạt cộng đồng, hội quán còn một chức năng quan trọng khác, đó là tín ngưỡng. Tùy theo tục quán tín ngưỡng của từng cộng đồng mà hội quán lấy cơ sở để thờ phụng.
Hội Quán Phúc Kiến: Trong 5 hội quán cổ của người Hoa ở Hội An thì hội quán Phúc Kiến là hội quán lớn nhất. Tiền thân của nó là một gian miếu nhỏ thờ pho tượng Thiên Hậu Thánh Mẫu (bà chúa phù hộ cho thương nhân vượt sóng gió đại dương) – được vớt tại bờ biển Hội An năm 1697. Qua nhiều lần trùng tu, với sự đóng góp của Hoa Kiều bang Phúc Kiến, hội quán càng trở nên rực rỡ, góp phần điểm tô diện mạo kiến trúc đô thị cổ Hội An. Thông qua cách bài trí thờ phụng các hình nhân: 6 vị tiền hiền (lục tánh), bà mụ, thần tài…hội quán thể hiện sâu sắc triết lý Á Đông về hạnh phúc con người. Hàng năm, vào các ngày Nguyên Tiêu (15 tháng Giêng âm lịch), vía Lục Tánh (16 tháng 2 âm lịch), vía Thiên Hậu (23 tháng 3 âm lịch)…tại hội quán Phúc Kiến diễn ra nhiều hoạt động lễ hội thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước tham quan.
Hội Quán Phúc Kiến
Hội Quán Triều Châu (157 Nguyễn Duy Hiệu): Hay còn gọi là chùa Âm Bổn, tọa lạc tại 157 Nguyễn Duy Hiệu, được Hoa Kiều bang Triều Châu xây dựng năm 1845 để thờ thần Phục Ba – vị thần giỏi chế ngự sóng gió giúp cho việc đi lại buôn bán trên biển được thuận buồm xuôi gió, đắc lợi. Hội quán có giá trị đặc biệt về kết cấu kiến trúc với bộ khung gỗ chạm trổ tinh xảo, cùng những họa tiết, hương án trang trí bằng gỗ và những tác phẩm đắp nổi bằng sành sứ tuyệt đẹp. Hàng năm, vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch, hội quán tổ chức lễ cúng Nguyên tiêu và giỗ tổ tiền hiền rất linh đình, với sự tham gia của đông đảo người Hoa gốc Triều Châu ở Hội An và các địa phương lân cận như Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi…
Hội quán Triều Châu
Hội quán Quảng Đông (số 176 Trần Phú): Hội quán được Hoa Kiều Quảng Đông xây dựng vào năm 1885, ban đầu để thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu và Đức Khổng Tử, sau năm 1911 chuyển sang thờ Quan Công và Tiền Hiền. Hội quán có kiến trúc khá đẹp bởi sự kết hợp hài hòa giữa chất liệu gỗ, đá trong kết cấu chịu lực cùng họa tiết trang trí công phu, chạm trổ tinh xảo, mang lại cho công trình một vẻ đường bệ, lộng lẫy, uy nghiêm. Hàng năm, vào ngày Nguyên Tiêu 15/1 âm lịch và vía Quan Công (24/6 âm lịch), hội quán lại tổ chức lễ hội rất linh đình, thu hút nhiều người tham gia.
Hội quán Quảng Đông
Hội quán Dương Thương (số 64 Trần Phú): Hội quán Dương Thương (hay còn gọi là hội quán Trung Hoa) được xây dựng từ năm 1741, đây là nơi thờ Thiên Hậu Ngũ Bang và sinh hoạt đồng hương của người Hoa ở Việt Nam. Hội quán mang đậm phong cách kiến trúc Trung Hoa, trải qua nhiều lần trùng tu nhưng cơ bản vẫn giữ nguyên gốc theo lối kiến trúc ban đầu. Hội quán còn thờ thần Thiên Lý Nhãn, Thuận Phong Nhĩ và mô hình thuyền buồm, mẫu thuyền được người Hoa dùng làm phương tiện hàng hải giao thương.
Hội quán Hải Nam (số 10 Trần Phú): Hay còn gọi là Quỳnh Phủ hội quán, được Hoa kiều bang Hải Nam – Trung Quốc đóng góp tiền của xây dựng vào năm 1875. Hội quán thờ 108 thương nhân người Hoa bị chết oan do quan quân nhà Nguyễn tưởng nhầm là tàu của giặc cướp nên đã nã đại bác bắn chìm thuyền. Sau khi điều tra rõ sự tình, vua Tự Đức sắc phong họ là “Nghĩa Liệt Chiêu Ứng”, cho phép xây đền thờ cúng. Hội quán Hải Nam được kiến trúc theo hình chữ quốc với quy mô rộng lớn, các khám thờ trong chính điện được điêu khắc tinh vi thể hiện sự tài tình giàu nghệ thuật trong kỹ thuật điêu khắc truyền thống.
Bảo tàng lịch sử - văn hóa Hội An (số 7 đường Nguyễn Huệ): Nơi đây, hiện có 434 hiện vật khảo cổ được phát hiện dưới dòng sông, lòng biển, trong lòng phố cổ và vùng ngoại ô được trưng bày theo chủ đề, minh chứng cho các thời kỳ phát triển đô thị cổ Hội An qua 3 thời kỳ chính:
Bảo tàng lịch sử - văn hóa Hội An
Các hiện vật từ thời sơ khai gồm công cụ sinh hoạt, lao động, chiến đấu, trang sức bằng các chất liệu khác nhau như đồng, sắt, đá, thủy tinh…Cùng các loại tiền đồng Trung Quốc như Ngũ Thù, Vương Mãng, đồ trang sức có nguồn gốc từ Ấn Độ, Trung Đông, các hiện vật này như một bằng chứng xác thực về cuộc sống của người dân nơi đây. Đặc biệt những hiện vật thời Đại Việt được trưng bày ở bảo tàng này phần nào nói lên vai trò Hội An với tính chất là một trung tâm thương cảng mậu dịch quốc tế ở Đàng Trong Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á.
Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An (số 149 đường Trần Phú), là nơi trưng bày bộ sưu tập độc đáo và phong phú bậc nhất ở Việt Nam, với trên 1000 hiện vật liên quan đến cư dân cổ thuộc hệ văn hóa Sa Huỳnh có niên đại cách nay 2000 năm – được coi là chủ nhân của cảng, từng có quan hệ giao lưu với Nam Ấn Độ và Trung Hoa. Điều quan trọng là các hiện vật đều có địa chỉ khảo cổ đáng tin cậy, nó phản ánh nhiều thông tin về táng tục, quan niệm sống – chết, nhận thức về sự phát triển, mối quan hệ giao lưu…trên đất cổ Hội An.
Bảo tàng gốm sứ Mậu Dịch (số 80 Trần Phú): Bảo tàng được xây dựng năm 1995, lưu giữ trên 430 hiện vật gốm sứ có niên đại từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 18, hầu hết các hiện vật gốm sứ có nguồn gốc từ Trung Cận Đông, Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam…minh chứng cho vai trò quan trọng của thương cảng Hội An trong mạng lưới mậu dịch gốm sứ trên biển vào các thế kỷ trước, đồng thời cũng cho thấy quan hệ giao lưu văn hóa – kinh tế quốc tế đã từng diễn ra rất mạng mẽ ở Hội An.
Bảo tàng văn hóa dân gian (số 33 Nguyễn Thái Học) là một trong những bảo tàng chuyên đề đặc sắc ở Hội An. Với những hình ảnh, hiện vật gốc và các hoạt động trình diễn, bảo tàng đã thể hiện các giá trị của bề dày truyền thống văn hóa, sự sáng tạo, những đóng góp của các thế hệ cư dân địa phương trong quá trình xây dựng phát triển vùng đất Hội An. Nơi đây trưng bày 484 hiện vật với 4 chủ đề nổi bật:
Bảo tàng văn hóa dân gian
Miếu Quan Công hay còn gọi là Chùa Ông, do người Minh Hương định cư tại Hội An và người Việt cùng phối hợp xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ 17. Miếu thờ vị tướng tài ba Quan Vân Trường (Quan Vũ) – là một trong “Trung Hoa thập Thánh” và “Tam Quốc tứ tuyệt”, được tôn vinh như bậc Thánh đế. Việc thờ phụng Quan Công nhằm thể hiện sự kính ngưỡng cũng như ca tụng lòng nghĩa khí, tiết trung hậu, để người đời noi gương sáng.
Miếu Quan Công
Còn gọi là Đình tiền hiền Minh Hương, là công trình kiến trúc tín ngưỡng do người Minh Hương gốc Hoa dựng vào giữa thế kỷ 17 để thờ cúng các bậc tiền hiền khai lập làng Minh Hương, một trong những làng cổ ở Hội An. Kiến trúc đình được tạo tác công phu bởi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng. Trải qua nhiều lần trùng tu, hiện nay, đình vẫn giữ dáng vẻ cũ, không chỉ là điểm tham quan hút khách du lịch mà Tụy Tiên Đường Minh Hương còn là một di tích tiêu biểu gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của phố cổ Hội An.
Tụy Tiên Đường Minh Hương
Xưởng thủ công mỹ nghệ hay còn gọi là làng nghề Hội An (số 9 Nguyễn Thái Học) - là nơi quy tụ 12 làng nghề truyền thống của Việt Nam như làng mộc, gốm, may mặc, sơn mài, chạm gỗ, thêu thùa... Nơi đây được xây dựng nhằm mục đích duy trì, lưu giữ những ngành nghề truyền thống có từ lâu đời của đất Quảng Nam. Các làng nghề này ra đời từ thế kỷ 15 – 16, khi Hội An vẫn còn là một thương cảng sầm uất. Ngày nay, các sản phẩm tại xưởng thủ công mỹ nghệ Hội An không chỉ dùng để trưng bày mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài. Điều này góp phần truyền bá nghệ thuật, tinh hoa văn hóa của Việt Nam nói chung và của Hội An nói riêng ra thế giới.
Xưởng thủ công mỹ nghệ Hội An
Bên cạnh những điểm tham quan đó, phố cổ Hội An luôn có không gian thanh bình, yên tĩnh khiến du khách đến đây muốn thả hồn thong dong giữa các lối phố, nghe ca và thưởng thức những đặc sản của vùng, đặc biệt là chiêm ngưỡng vẻ đẹp của phố cổ về đêm.
Nguồn: ST